Danh mục thiết bị VTĐ được miễn giấy phép sử dụng tần số

Thiết bị liên lạc bộ đàm công suất thấp, thiết bị truyền dữ liệu băng siêu rộng, thiết bị ra-đa ô tô, thiết bị vòng từ, được miễn giấy phép sử dụng tần số theo Thông tư số 46/2016/TT-BTTTT

Ngày 26/12/2016, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký ban hành Thông tư số 46/2016/TT-BTTTT, quy định danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, điều kiện kỹ thuật và khai thác kèm theo. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/02/2017 và thay thế Thông tư số 03/2012/TT-BTTTT ngày 20/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Xem thêm: 

Thông tư số 46/2016/TT-BTTTT áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng, sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thiết bị VTĐ được miễn giấy phép sử dụng tần số VTĐ để sử dụng tại Việt Nam. Thông tư này không áp dụng đối với thiết bị VTĐ được sản xuất, nhập khẩu phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh của lực lượng vũ trang; việc sản xuất, nhập khẩu, sử dụng thiết bị VTĐ này do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định bảo đảm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

Danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số và điều kiện kỹ thuật, khai thác được nêu chi tiết tại 19 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư.

 bộ đàm công suất thấp

So với Thông tư số 03/2012/TT-BTTTT, Danh mục thiết bị VTĐ được miễn giấy phép sử dụng tần số ban hành kèm theo Thông tư số 46/2016/TT-BTTTT được cập nhật thêm một số chủng loại thiết bị được miễn giấy phép sử dụng tần số, như thiết bị truyền dữ liệu băng rộng, thiết bị truyền dữ liệu băng siêu rộng, thiết bị ra-đa ô tô, thiết bị vòng từ, thiết bị liên lạc bộ đàm công suất thấp, thiết bị vô tuyến dùng cho mục đích an toàn, cứu nạn hàng hải.

Các điều kiện chung áp dụng cho thiết bị được miễn giấy phép tần số

Thiết bị vô tuyến điện (VTĐ) được miễn giấy phép sử dụng tần số phải chấp nhận có thể bị nhiễu có hại từ thiết bị VTĐ được cấp giấy phép sử dụng tần số, thiết bị VTĐ được cơ quan quản lý cho phép hoạt động.

Trường hợp thiết bị được miễn giấy phép sử dụng tần số gây nhiễu có hại cho thiết bị được cấp giấy phép sử dụng tần số, thiết bị VTĐ được cơ quan quản lý cho phép hoạt động, tổ chức, cá nhân phải ngừng ngay việc sử dụng và chỉ được hoạt động trở lại khi can nhiễu đã được khắc phục.

Các thiết bị được miễn giấy phép sử dụng tần số phải chấp nhận nhiễu do các thiết bị ứng dụng năng lượng tần số VTĐ trong công nghiệp, khoa học và y tế (ISM) gây ra khi dùng chung các băng tần sau đây dành cho ISM: 13,553¸13,567 MHz; 26,957¸27,283 MHz; 40,66 ¸40,70 MHz; 2400 ¸2483,5 MHz; 5725¸5875 MHz; 24000¸24250 MHz.

Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thiết bị được miễn giấy phép sử dụng tần số có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về nhập khẩu, chứng nhận và công bố hợp quy, bảo đảm thiết bị phù hợp với các điều kiện kỹ thuật và khai thác theo các Phụ lục tương ứng của Thông tư này;

Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thiết bị có tích hợp tính năng điều khiển từ xa vô tuyến trong các mô hình máy bay phải tuân thủ các quy định của pháp luật về cấp phép hoạt động bay.

Thông tư số 46/2016/TT-BTTTT cũng quy định: Tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị VTĐ chỉ thu được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện phải tuân thủ quy định của pháp luật về viễn thông, tần số vô tuyến điện và quy định của pháp luật khác có liên quan; không được sử dụng thông tin thu được vào mục đích bất hợp pháp.

Đồng thời tại điều khoản chuyển tiếp, Thông tư số 46/2016/TT-BTTTT cũng quy định rõ: Thiết bị đáp ứng quy định của Thông tư số 03/2012/TT-BTTTT, nhưng không còn phù hợp với Thông tư này thì được tiếp tục sử dụng, nhưng phải ngừng sử dụng khi gây nhiễu có hại cho các thiết bị được cấp giấy phép sử dụng tần số.

Đình Tuấn