Bi hài quanh chiếc máy "chấm công" ở Hãng phim truyện Việt Nam
Phản đối việc chấm công bằng vân tay tại Hãng phim truyện Việt Nam, đạo diễn- nhà biên kịch Nguyễn Xuân Thành tuyên bố: "Chúng tôi không thể giam mình trong căn phòng 20 mét vuông để sáng tạo được".
Phản đối việc chấm công bằng vân tay tại Hãng phim truyện Việt Nam, đạo diễn- nhà biên kịch Nguyễn Xuân Thành tuyên bố: "Chúng tôi không thể giam mình trong căn phòng 20 mét vuông để sáng tạo được". Để ngăn cản, một nghệ sĩ còn mang máy đi...
Đang trong quá trình thanh tra việc cổ phần hóa nhưng nội bộ Hãng phim truyện Việt Nam vẫn tiếp tục "nóng" lên vì lùm xùm từ những câu chuyện nhỏ nhất như chấm công bằng vân tay.
Theo đó, Ban lãnh đạo công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam (trước là Hãng Phim truyện Việt Nam) áp dụng quy định chấm công lao động bằng dấu vân tay từ ngày 11/10. Các nhân viên công ty phải tuân thủ quy định ngày làm 8 tiếng ở cơ quan, giám sát bằng việc lấy vân tay vào 8h sáng và 5h chiều.
Ngay lập tức, quy định này bị phản đối bằng lá đơn có khoảng 20 chữ ký của nghệ sĩ đang công tác tại Hãng phim. Cao trào nhất là hành động tự phát của một nghệ sĩ đã xông vào mang máy đi, không cho lắp đặt, cuối cùng chiếc máy lại được đưa về nguyên chỗ cũ.
Bi hài xung quanh chiếc máy chấm công bằng vân tay đặt ra hai câu hỏi: Ở Hãng phim, nghệ sĩ đang "vô nguyên tắc", dựa hơi vào tính đặc thù trong sáng tạo nghệ thuật mà bỏ bê công việc; hay Ban lãnh đạo hoàn toàn không hiểu phương pháp quản lý cho một đơn vị văn hóa nghệ thuật?
Và, thử hỏi, cái máy lấy vân tay ấy nếu không đặt ở Hãng phim mà đặt tại các cơ quan văn hóa văn nghệ khác liệu có bị phản đối hay không?
Một thực tế là lâu nay ở nhiều hãng phim, đài truyền hình... chẳng có máy lấy vân tay để xác định người ngồi làm việc đủ 8 tiếng thì vẫn có những phòng ban, nhân sự thức thâu đêm lo công việc như một lẽ thường tình. Trái lại, cũng chẳng ít trường hợp dựa dẫm vào tính đặc thù nghề nghiệp, vào cái mác nghệ sĩ để tự cho mình quyền đi muộn về sớm, cả năm cả tháng đến cơ quan được vài lần vì bận... sáng tạo ngoài đời sống.
Vậy cách nào để đo đạc được năng suất lao động, ý thức công việc? Máy lấy vân tay chỉ là nhất thời, mấu chốt chính là sản phẩm. Anh ở đâu, làm gì, cứ nhìn vào sản phẩm công việc là biết. Nên chăng, thay vì máy lấy vân tay, cần có một cái máy hoặc bộ phận giám sát, kiểm định hiệu quả lao động.
Hiệu quả lao động của các đạo diễn trả lời bằng phim, của nhà biên kịch trả lời bằng kịch bản, của diễn viên bằng vai diễn, năng lực kết nối, đào tạo... Việc quyết định chấm công văn nghệ sĩ ngày đủ 8 tiếng ở góc độ nào đó đang thể hiện rõ sự bất lực của ban lãnh đạo trong cách đánh giá thành quả, sản phẩm, chất lượng... tạo ra của văn nghệ sĩ.
Bên cạnh đó, văn nghệ sĩ một mực phản đối chấm công cũng thể hiện một thái độ thiếu chuyên nghiệp. Không thể bao biện rằng đặc thù nghề nghiệp chỉ làm việc được về đêm, không thể ngồi bó gối trong phòng mấy chục mét vuông ở cơ quan... những người làm việc say mê, chuyên nghiệp thì trong môi trường nào họ cũng sáng tạo được. Tất nhiên, nghệ thuật cần thêm những điều kiện đặc biệt khác nữa.
Một môi trường làm việc cần sự tuân thủ của người lao động về giờ giấc, nội quy cơ quan theo đúng luật lao động và đặc thù công việc. Trở lại câu hỏi ban đầu: Nếu không phải chiếc máy lấy dấu vân tay kia được đặt ở Hãng phim mà ở các cơ quan văn nghệ khác, liệu có bao người đồng tình, bao người phản đối? Có lẽ con số đồng tình sẽ không nhiều!
Xưa nay, nói đến giới nghệ sĩ, số đông vẫn quen hình dung về một bộ phận những người chệch choạc giờ giấc, thức khuya dậy muộn, thói quen đi đứng sinh hoạt chẳng giống ai... rồi đánh đồng đó là đặc thù nghề nghiệp.
Điều đó sẽ dễ chấp nhận nếu họ chỉ làm một nghề duy nhất là sáng tác tự do, chẳng phụ thuộc vào cơ quan đơn vị nào, chẳng ảnh hưởng đến cá nhân ai... bằng không nhất định xảy ra mâu thuẫn.
Ở phạm vi gia đình thì "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt", phạm vi cơ quan thì nhắc nhở, kỷ luật... Cũng có những trường hợp đặc biệt được ưu tiên hơn, được cộng đồng kêu gọi sự vị tha cho nghệ sĩ, đó là trường hợp của những thiên tài, cống hiến được tác phẩm vĩ đại!
Nhưng ở thời đại hiện nay, tự thân giới nghệ sĩ đã phá bỏ cái mặc định ấy bằng năng lực làm việc nghiêm túc, hiệu quả công việc cao. Họ vẫn đến công sở đúng giờ, kiêm thêm nhiều công việc khác, thích nghi tốt với áp lực thời gian, đặc thù công việc. Sự chuyên nghiệp ấy mang đến cho nghệ sĩ cuộc sống cân bằng, sự nghiệp vững vàng và quan trọng nhất là giữ được hình ảnh đẹp với công chúng.
Câu chuyện chấm công bằng vân tay ở Hãng phim truyện Việt Nam chỉ là một tình tiết nhỏ lẻ trong lùm xùm lớn chưa được giải quyết. Theo các nghệ sĩ đã công tác lâu năm tại Hãng phim, thái độ phản đối ban lãnh đạo lắp đặt máy lấy dấu vân tay xuất phát từ nguyên nhân tự ý đưa ra quy định mà chưa tham khảo ý kiến tập thể nhân viên đồng thời giới nghệ sĩ cũng phản đối những thay đổi vào thời gian nhạy cảm khi Hãng phim đang trong quá trình thanh tra.
Trong khi nhà biên kịch Nguyễn Xuân Thành chia sẻ: "Tôi không phải đến đây để xin tiền, chường mặt ra 8 tiếng để lĩnh lương đâu. Bọn tôi muốn được làm việc cơ mà. Không thể làm cái việc đó được, công việc của bọn tôi là phải đi. Không có mặt là ông ấy cắt lương, anh em bức xúc là dần dần giải tán. Cuối cùng là xóa sổ hãng phim" thì lãnh đạo công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam khẳng định họ sẽ tiếp tục quản lý, trả lương theo hình thức chấm công, miễn là đúng pháp luật.
Có một quan niệm khá phổ biến về quản lý văn nghệ sĩ, văn hóa văn nghệ thường được nhắc đến trong họp hành, tọa đàm là: Quản lý như... không quản lý gì cả! Quan điểm ấy thể hiện một tầng nghĩa sâu xa là quản lý văn hóa văn nghệ nói chung, văn nghệ sĩ nói riêng rất khó.
Văn nghệ sĩ cũng là con người bình thường, văn hóa văn nghệ cũng bình đẳng như bao ngành nghề khác nhưng tất cả không chỉ có thế.
T.Nam