Chính phủ Mỹ chi 10 triệu USD để lắp bộ đàm trong hàm răng binh sĩ
Lính Mỹ sắp được biên chế thiết bị liên lạc bộ đàm có khả năng truyền tín hiệu âm thanh qua xương hàm, khó bị phát hiện từ bên ngoài.
Lính Mỹ sắp được biên chế thiết bị liên lạc bộ đàm có khả năng truyền tín hiệu âm thanh qua xương hàm, khó bị phát hiện từ bên ngoài.
Lầu Năm Góc hồi tuần trước ký hợp đồng trị giá 10 triệu USD với công ty Sonitus Technologies để cung cấp hệ thống bộ đàm siêu nhỏ mang tên Molar Mic, cho phép binh sĩ duy trì đàm thoại mà không cần mang theo những thiết bị cồng kềnh, theo Defense One.
>>> Tham khảo những mẫu máy bộ đàm mới nhất năm 2018 TẠI ĐÂY
Molar Mic là thiết bị nhỏ tích hợp cả micro và loa, được gắn vào hàm răng. Người dùng có thể nhận cuộc gọi mà không cần thao tác bằng tay như thiết bị liên lạc thông thường, giảm nguy cơ bị phát hiện trong các nhiệm vụ đặc biệt. Tín hiệu âm thanh sẽ được Molar Mic truyền qua xương hàm đến dây thần kinh thính giác. Tiếng nói của người dùng sẽ được truyền tới thiết bị thu đeo trên cổ, sau đó chuyển đến điện đài giấu trong người và phát đi.
"Âm thanh truyền qua Molar Mic cũng giống như tiếng động bạn nghe thấy bình thường, nhưng nó được truyền qua răng và xương sọ đến các dây thần kinh thính giác, thay vì sử dụng đôi tai. Sẽ mất khoảng ba tuần để não thích nghi và tăng khả năng xử lý âm thanh", Peter Hadrovic, giám đốc Sonitus Technologies, giải thích.
Molar Mic được thiết kế để khớp với hàm răng của từng người. Ảnh: Sonitus.
Ngoài việc khó bị phát hiện, Molar Mic sử dụng giao thức truyền dữ liệu qua cảm ứng từ trường gần, tương đồng với công nghệ Bluetooth nhưng có thể được mã hóa, khó bị nghe trộm và truyền được qua môi trường nước.
Molar Mic là kết quả từ chương trình nghiên cứu do quỹ In-Q-Tel của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) tài trợ. Thiết bị này từng được một số lính không quân Mỹ dùng thử tại chiến trường Afghanistan, nhưng chưa trải qua tình huống chiến đấu. Sonitus cho biết đang liên tục cải tiến Molar Mic dựa trên ý kiến của binh sĩ.
Năm 2017, Vệ binh Quốc gia Mỹ cũng triển khai thiết bị này trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn sau cơn bão Harvey. Molar Mic được đánh giá cao nhờ khả năng hoạt động tốt trong môi trường ngập nước và nhiều tiếng ồn.
"Một lính cứu hộ đứng trong khu vực nước ngập đến cổ và tìm cách đưa người gặp nạn lên trực thăng. Anh ta sẽ không thể liên lạc với phi công nếu thiếu thiết bị này", Hadrovic tiết lộ.