Người dị tật sáng chế "máy bộ đàm di động" khiến nhiều kỹ sư khâm phục
Ông coi những đồ vật bị hỏng giống như cơ thể khuyết thiếu của mình, quyết tâm tìm tòi, mày mò và không bao giờ chịu bỏ cuộc. Hơn 40 năm trước, người thợ này đã làm chấn động bà con vùng sông nước Tây Nam Bộ khi phát minh ra chiếc "máy bộ đàm di động" độc nhất vô nhị.
Xem thêm:
- Cách tự làm máy bộ đàm cho bé tại nhà siêu hay
- Hệ thống máy bộ đàm trung tâm là gì ? Gồm những loại bộ đàm nào ?
- Những lỗi thường gặp khi sử dụng máy bộ đàm và các bước tự khắc phục
Đi lên từ số phận nghiệt ngã
Do quá nổi tiếng nên chúng tôi dễ dàng tìm được tiệm sửa chữa điện thoại của ông Lê Văn Hiếp (Út Hiếp ở ấp Cà Tum A xã Vĩnh Kim, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh). Đó là ngôi nhà cũ kỹ, nửa xi măng, ép tôn với diện tích rất khiêm tốn. Do chất quá nhiều đồ linh kiện điện tử nên căn nhà chật đến nỗi không có chỗ ngồi.
Dù dị tật nhưng ông Út Hiếp là người thợ sửa chữa máy bộ đàm và điện tử nổi danh vùng Đông Nam Bộ.
Nhà ông Út Hiếp mang phong cách của một xưởng sửa chữa điện tử, mùi cháy khét của chì, dây nhựa là những đặc trưng ở đây. Ông Út Hiếp nhỏ nhắn, bước đi khó nhọc bởi đôi bàn tay, bàn chân co rút. Nếu không tận mắt chứng kiến những cử chỉ nhanh thoăn thoắt khi hàn các linh kiện nhỏ xíu, sẽ chẳng ai tin được con người tật nguyền này lại là một "nhà" sửa chữa điện tử tài ba từ 40 năm về trước cho tới hôm nay.
Ông Út sinh ra trong một gia đình đông anh em, riêng số phận của ông lại rơi vào cảnh tật nguyền. Ông mang dị tật từ trong bụng mẹ. Ngày chào đời, người cha đã bàng hoàng đến ngất xỉu khi thấy chân tay con mềm như sợi bún.
Út Hiếp không thể đi lại và làm được bất cứ việc gì. Mãi đến năm 10 tuổi, do nhận thức được thân phận thiệt thòi nên Út Hiếp tự mình đứng dậy. Những bước đi đầu đời đầy khó khăn và đớn đau. Út Hiếp ngã như đập bị, vết thương chằng chéo cơ thể. Được cha mẹ động viên, Út lại quyết tâm tới trường học chữ.
Thương em tàn tật nhưng vẫn hiếu học, các anh chị trong nhà đã thay nhau cõng em tới trường. Không phụ lòng gia đình, Út Hiếp học rất giỏi, năm nào cũng đạt thành tích cao. Nhưng cũng chỉ được đến năm lớp 7 thì phải nghỉ học vì chiến tranh loạn lạc, gia cảnh lâm li. Ở cái ngưỡng tuổi trưởng thành, một thanh niên như Út Hiếp sẽ chẳng có ai thuê mướn làm gì.
Vô công rỗi nghề, ông đâm ra chán nản, buồn bã. Những hôm cha mẹ ra ruộng, ở nhà một mình buồn tay, Út lấy máy radio của cha cất cẩn thận trên nóc tủ xuống "khám phá". Út ngứa tay tháo rời những bộ phận bên ngoài xem cấu tạo của nó, nhưng càng tháo lại càng tò mò. Vậy là ông bung luôn bên trong máy xem từng cái vi mạch, dây dẫn. Hậu quả là chiếc máy tan tành.
Cha biết chuyện đã vô cùng giận dữ, vì cậu con quá yếu đuối nên ông cầm lòng không đánh cho một trận. Đây là chiếc đài mà người cha của Út Hiếp trân quý, nâng niu mấy chục năm, giúp cả gia đình biết tin tức xã hội và giải trí trong những giờ lao động mệt mỏi. Cha định đi vay tiền mua cái mới nhưng Út Hiếp năn nỉ cho mình thử sửa. Cha ông không tin nhưng cũng chiều lòng đứa con trai tàn tật.
Ngày hôm sau, Út Hiếp mày mò thế nào mà chiếc đài trở về trạng thái ban đầu, "nói" oang oang. Cả nhà rất vui mừng. Sau cuộc "thử nghiệm tay nghề" với chiếc radio của cha, Út Hiếp lục khắp nhà tìm kiếm những gì liên quan tới điện.
Chiều chiều, Út Hiếp thường lang thang dọc xóm, hễ thấy ai sửa chữa đồ gì là ông lao vào xem chăm chú, hỏi han đủ kiểu. Nhiều người phát cáu vì sự "nhiều chuyện" của ông. Học qua trường làng chỉ là kiến thức vụn vặt, Út Hiếp lùng sục tìm sách về điện để đọc.
Ông thường xuyên năn nỉ người anh trai đang học tại trường vô tuyến điện ở TP Hồ Chí Minh mang sách về cho mượn. Thay vì những ngày nhàn rỗi trước đây, giờ ông tập trung hết cho việc đọc sách, phần nào không hiểu hay có ngôn ngữ tiếng Anh, ông đều nhờ anh mình chỉ bảo. Về sau ông mua hẳn một quyển từ điển rất dày chuyên về đồ điện để nghiền ngẫm.
Chỉ sau một thời gian ngắn, Út Hiếp đã nổi tiếng khắp vùng với khả năng sửa đồ điện tử. Những chiếc máy radio của gia đình hay của mọi người xung quanh có trục trặc gì đều tìm đến ông. Ông coi những đồ vật bị hỏng giống như cơ thể khuyết thiếu của mình, quyết tâm tìm tòi, mày mò và không bao giờ chịu bỏ cuộc.
Cảm phục trước tài năng của anh thợ điện tử, cô Hai Đèo (Nguyễn Thị Đèo) ở tận Vĩnh Long đã đem lòng thương. Út Hiếp ngỡ ngàng trước tình yêu "sét đánh" của cô gái, ngại ngùng từ chối. Phải đến khi cha cô Năm đích thân tới nhà đánh tiếng và dứt khoát nhận con rể thì Út mới nhận ra giấc mơ mái ấm là sự thật.
Sáng chế "máy bộ đàm di động"
Thời điểm đất nước còn chiến tranh, dân tình nghèo khó nên chẳng mấy ai có đồ điện tử sửa, chủ yếu là giúp đỡ bà con những khi máy móc hỏng hóc. Trong ấp, cứ nhà nào có đồ điện tử hư hỏng là mọi người đều gom lại mang đến nhà ông Út. Dần dà, trong nhà ông trở thành cái kho của các loại máy: Rada, đài cassette, bộ đàm...
Ông Út thỏa thuê nghiên cứu, mày mò, có khi ông quên ăn quên ngủ để nghiên cứu một cái vi mạch trên máy cassette. Đôi tay của ông quặt quẹo, lều khều nhưng đụng đến dây nhợ, mạch điện thì cứ thoăn thoắt, không ai sánh kịp. Nắm được quy luật truyền dẫn sóng, ông Út suy nghĩ sẽ sáng chế ra một chiếc máy liên lạc cầm tay. Ý tưởng này được cho là táo bạo, không tưởng trong thời kỳ đất nước chưa hề có điện thoại di động.
Ông bắt đầu tìm tòi học hỏi về cấu tạo, chức năng của loại máy liên lạc. Từ những chiếc radio cũ, ông tháo rời lấy những bộ phận có thể sử dụng được. Cho đến những chiếc máy rada, bộ đàm ông cũng làm vậy. Ông thường lân la tới các trụ sở công quyền có bảo vệ canh gác, rồi tranh thủ mượn máy bộ đàm nghiên cứu. Có khi ông "hối lộ" một chút tiền cho họ rồi xin gọi một cuộc điện thoại bàn vu vơ.
Sau một thời gian dài chuẩn bị, ông Út bắt đầu phác thảo hình dạng chiếc máy nghe và cấu tạo bên trong trên giấy. Ông cho biết: "Tôi nghĩ nếu một chiếc máy bộ đàm hay điện thoại không dây mà người ta hay đeo trên vai thì cồng kềnh quá, sẽ không phù hợp với mục đích dùng để liên lạc bình thường giữa người dân với nhau.
Tôi chọn cỡ máy dài chừng 20cm, chiều ngang 4cm, hình vuông thẳng đứng. Hai đầu tôi thiết kế tương tự như điện thoại để bàn, một đầu là ống nghe và đầu kia là ống nói. Do sử dụng sóng cao tần (để phát tiếng nói) và thấp tần (để nhận sóng) nên chiếc máy của tôi không cần dây dẫn cầu kỳ như máy bộ đàm quân sự hay điện thoại bàn".
Trên lý thuyết là thế nhưng đến khi bắt tay vào làm, ông Út gặp rất nhiều khó khăn. Ông phải chạy khắp nơi tìm kiếm nguyên liệu để chế tạo. Khó nhất là kiếm được dây dẫn và thanh thép truyền sóng. Làm được vài bộ phận thì "cụt" ý tưởng, ông Út lại chạy đi xem hiện vật mẫu và kết hợp với lý thuyết trong sách.
Sau 2 tháng, ông đã chế tạo thành công hai chiếc máy như dự tính. Tuy kiểu dáng thô kệch và khá nặng nề nhưng độ phủ sóng của những "chú dế" do người thợ điện tử này thiết kế, lắp ráp ra cũng hoạt động khá trơn tru, cự li liên lạc lên gần cây số.
Ông đưa cho cha mẹ một chiếc, còn một chiếc để tại nhà. Có máy điện thoại, ông Út cần việc gì gấp chỉ việc alô cho người thân đang làm ruộng trở về hoặc làm giúp ông việc gì đó. Đôi chân tật nguyền của ông không phải lê lết cả tiếng đồng hồ nữa.
Nghe tin Út Hiếp phát minh ra "sóng nói", rất nhiều người đã đổ về xem và xin được thử nghiệm. Sự kiện người thợ điện tật nguyền sáng chế ra chiếc điện thoại đầu tiên hơn 40 năm trước trở thành câu chuyện lịch sử chấn động miền Tây. Giờ đây, những người cùng thời với ông Út khi được hỏi về "sự kiện" máy điện thoại năm ấy đều nhớ vanh vách, kể mạch lạc.