Xử phạt vi phạm tần số: Tăng tiền phạt, khó thực thi
Hiện có ý kiến đề nghị sửa đổi quy định về mức xử phạt vi phạm về tần số vô tuyến điện theo hướng không tăng tiền phạt mà có nhiều mức phạt linh động. Bởi vì mức phạt càng cao càng không xử phạt được, phạt rồi không thực thi được, thậm chí phải cưỡng chế
Hiện nhiều mạng bộ đàm không sử dụng đúng tần số gây nhiễu sóng cho mạng khác. Ảnh minh họa: Internet
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 của Cục Tần số Vô tuyến điện mới đây, đại diện Thanh tra Cục Tần số Vô tuyến điện đã kiến nghị cần xem xét để sửa đổi, điều chỉnh Nghị định 174/2013/NĐ-CP theo hướng giảm mức phạt tiền cho một số vi phạm về tần số vô tuyến điện.
Theo vị đại diện này, thông thường quy định của nhà nước về xử phạt vi phạm hành chính như vi phạm luật giao thông thì tăng tiền phạt sẽ tăng tính răn đe. Nhưng đối với lĩnh vực tần số vô tuyến điện thì mức xử phạt cao sẽ rất khó thực thực thi và không hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Thực tế thời gian qua, vi phạm về quản lý tần số ngày càng nhiều, nhưng càng tăng tiền phạt thì càng không phạt được.
Ví dụ, có những gia đình nghèo được cho cái điện thoại để dùng, họ cũng không biết được đây là loại điện thoại không được phép dùng, gây nhiễu sóng. Đến khi bị phát hiện, theo quy định có thể bị phạt tới 20 triệu đồng. Nhà nghèo lấy đâu ra tiền để nộp phạt.
Trong vòng một năm qua, Cục Tần số Vô tuyến điện đã xử phạt khoảng 600 vụ vi phạm về tần số, các vụ xử phạt này không theo hướng tăng tiền phạt mà theo hướng có nhiều mức phạt linh động. Vị thanh tra này cũng đề nghị, các đơn vị khi kiểm tra phát hiện vi phạm phải tăng cường xử phạt tiền, nhưng cũng phải xem xét mức độ vi phạm để có mức xử phạt hợp lý, không phải thực hiện phạt để không thực thi được, thậm chí phải dẫn đến cưỡng chế nộp phạt.
Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho hay, đối với các đài truyền hình, các doanh nghiệp lớn thì họ không sợ mức tiền phạt, phạt vài triệu hay vài chục triệu không nhằm nhò gì với các đơn vị này. Nhưng nếu bị cơ quan quản lý xử phạt sẽ ảnh hưởng đến việc xem xét thi đua và xếp hạng doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc phân bổ tiền lương của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 1 cho hay, hiện nay số lượng sử dụng bộ đàm trong các nhà hàng khách sạn tăng rất cao, phát sinh vấn đề can nhiễu tần số.
6 tháng đầu năm 2016, riêng Trung tâm 1 đã xử lý 150 vụ can nhiễu, trong đó nhiều nhất vẫn là điện thoại DECT 6.0 nhập lậu vào Việt Nam gây nhiễu với 31 vụ, 32 vụ do trạm lặp kích sóng di động trái phép gây ra, ngoài ra số lượng sử dụng bộ đàm không giấy phép gây can nhiễu tăng mạnh. Thanh tra cũng kiểm tra hai đơn vị kinh doanh thiết bị kích sóng di động không có hóa đơn chứng từ, không có chứng nhận hợp quy và ra quyết định xử phạt gần 50 triệu đồng.
Ông Đông nhận định, phát hiện nguồn gây nhiễu để chống nhiễu đã khó nhưng việc xử lý vi phạm đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về sử dụng tần số còn khó khăn hơn. Khi thanh tra lập biên bản để người vi phạm chấp nhận ký vào biên bản thường gặp nhiều cản trở, đến khi ra quyết định xử phạt lại gặp phải sự chống đối, không chấp hành của nhiều cá nhân.
Riêng trong quý I/2016, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 1 đã phải cưỡng chế hai hãng taxi (ở Thái Nguyên và Lạng Sơn) để buộc họ chấp hành quyết định xử phạt.
Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 2 chia sẻ, tại khu vực do Trung tâm 2 quản lý cũng bị “đại nạn” điện thoại DECT 6.0 gây nhiễu. Chất lượng thiết bị phát sóng vô tuyến điện của những thương hiệu không tên tuổi gây nhiễu khá nhiều, nhất là thiết bị sử dụng trong truyền thanh không dây. Công tác cấp phép chứng nhận hợp chuẩn, quy trình hợp chuẩn thiết bị vô tuyến chưa chặt chẽ dẫn đến việc một số đơn vị xin hợp chuẩn qua mặt cơ quan nhà nước.
Quy trình hậu kiểm sau chứng nhận hợp chuẩn thiết bị cũng chưa có, khi cơ quan tần số đi xử lý can nhiễu, thanh tra cần đo lại thiết bị cho chuẩn là rất khó. Ví dụ, có loại điện thoại không dây có thể đạt được 2 băng tần theo chuẩn châu Âu và Bắc Mỹ. Khi khai báo thủ tục xin chứng nhận thì họ chỉ khai băng tần châu Âu, khi về dùng lại dùng theo băng tần chuẩn Bắc Mỹ, gây nhiễu có hại.
Hay có công ty đến xin chứng nhận hợp chuẩn lấy một cái mẫu ruột là loại chuẩn, vỏ là của họ. Khi xin được chứng nhận hợp chuẩn họ lại cung cấp ra thị trường là loại ruột khác không đạt chất lượng, các thiết bị này là thủ phạm gây nhiễu.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, Cục Tần số Vô tuyến điện và các Trung tâm khu vực đã ban hành 149 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về quản lý tần số vô tuyến điện. Trong đó, xử phạt tiền 70 đơn vị với tổng số tiền phạt là 262.800.000 đồng, xử phạt cảnh cáo 24 vụ, nhắc nhở 55 vụ, nhiều vụ đang tiếp tục giải quyết.
Cục Tần số vô tuyến điện cũng chuyển và phối hợp các Sở TT&TT xử lý 77 vụ. Trong đó, xử phạt tiền 23 vụ với tổng số tiền phạt là 101.000.000 đồng, còn lại là xử phạt cảnh cáo, nhắc nhở.
Khôi Nguyên
GIAO LƯU VỚI ĐỘC GIẢ TRÊN FANPAGE ICTNEWS